Cạnh Tranh và Chống Độc Quyền
Chúng ta tin vào cạnh tranh tự do. Các Công Ty thuộc Tập Đoàn phải cạnh tranh công bằng và có đạo đức, phù hợp với luật cạnh tranh (hoặc “chống độc quyền”).
Luật Cạnh Tranh Ảnh Hưởng Như Thế Nào đến Hoạt Động Kinh Doanh của chúng ta
Luật cạnh tranh tác động đến hầu hết các hoạt động của chúng ta, bao gồm hoạt động bán hàng và trưng bày sản phẩm, mối quan hệ của chúng ta với nhà cung cấp, nhà phân phối, khách hàng và đối thủ cạnh tranh, các giao dịch M&A, các hoạt động đàm phán và soạn thảo hợp đồng và khi chúng ta quyết định chiến lược về giá, chiến lược thương mại và điều kiện giao dịch. Các điều kiện thị trường đôi khi có thể ảnh hưởng đến pháp luật điều chỉnh các vấn đề cạnh tranh, ví dụ như mức độ tập trung của thị trường; tính đồng nhất của sản phẩm và sự khác biệt của thương hiệu; hoặc các quy định, bao gồm các hạn chế về quảng cáo, cấm trưng bày sản phẩm và cấm hút thuốc nơi công cộng.
Một số hành vi bị cấm bất kể các điều kiện thị trường.
-
Cam Kết Cạnh Tranh Lành Mạnh
-
Thông Đồng
-
Gặp Gỡ Đối Thủ Cạnh Tranh
-
Thông Tin Đối Thủ Cạnh Tranh
-
Vị Trí Thống Lĩnh Thị Trường
-
Hạn Chế Bán Lại
-
Sáp Nhập và Mua Lại (M&A)
-
Tham khảo ý kiến chuyên gia
-
Trao Đổi Thông Tin về Tiền Lương và Các Thỏa Thuận “Không Tuyển Dụng”
Cam Kết Cạnh Tranh Lành Mạnh
Chúng tôi cam kết cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ luật cạnh tranh ở mỗi quốc gia và khu vực kinh tế nơi chúng tôi hoạt động. Nhiều quốc gia có luật chống hành vi hạn chế cạnh tranh. Mặc dù các quy định pháp luật về cạnh tranh phức tạp và khác nhau giữa các quốc gia hoặc giữa các khu vực kinh tế, nhưng việc không tuân thủ các quy định này đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Thông Đồng
Chúng ta không được thông đồng với các đối thủ cạnh tranh của mình (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua bất kỳ bên thứ ba nào) để:
- ấn định giá hoặc bất kỳ yếu tố hoặc khía cạnh nào của việc định giá (bao gồm giảm giá, chiết khấu, phụ phí, phương pháp định giá, điều khoản thanh toán, thời gian, mức độ hoặc phần trăm thay đổi giá hoặc điều khoản lao động);
- ấn định các điều khoản và điều kiện khác;
- phân chia hoặc phân bổ thị trường, khách hàng hoặc lãnh thổ;
- Hạn chế hoặc ngăn cản sản xuất, cung ứng hoặc nhân lực;
- ảnh hưởng đến kết quả của quá trình đấu thầu cạnh tranh;
- thống nhất từ chối tập thể đối với giao dịch với một số bên, bao gồm cả thỏa thuận không tuyển dụng; và
- trao đổi thông tin thương mại nhạy cảm hoặc hạn chế cạnh tranh.
Gặp Gỡ Đối Thủ Cạnh Tranh
Cần hết sức thận trọng khi họp hoặc liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các nhà sản xuất cạnh tranh. Chúng ta phải lưu hồ sơ cẩn thận về các cuộc họp, liên hệ này và phải ngừng cuộc họp, liên hệ nếu cuộc họp, liên hệ này có, hoặc có thể được xem là có tính chất chống cạnh tranh.
Cách thức tương tự cũng sẽ được thực hiện với các công ty khác nếu mối quan hệ đó có liên quan đến việc cạnh tranh giữa họ và chúng tôi.
Không phải tất cả các thỏa thuận với đối thủ cạnh tranh đều có vấn đề. Việc liên hệ với đối thủ cạnh tranh có thể hợp pháp trong trường hợp tham gia các hiệp hội thương mại, trao đổi thông tin hạn chế nhất định và cùng đóng góp ý kiên cho các văn bản pháp luật hoặc các cuộc vận động cộng đồng.
Tương tự, một số thỏa thuận hạn chế cạnh tranh với đối thủ cạnh tranh là hợp pháp nếu mang lại lợi ích lớn hơn thiệt hại. Trong trường hợp này, cần tham khảo tư vấn pháp lý từ chuyên gia trước khi xem xét bất kỳ thỏa thuận nào với đối thủ cạnh tranh, để đảm bảo thỏa thuận đó không hạn chế cạnh tranh hoặc có rủi ro bị coi là thông đồng.
Thông Tin Đối Thủ Cạnh Tranh
Chúng ta chỉ thu thập thông tin về các đối thủ cạnh tranh bằng phương tiện pháp lý hợp pháp và tuân thủ luật cạnh tranh.
Việc lấy thông tin về đối thủ cạnh tranh trực tiếp từ đối thủ cạnh tranh không bao giờ là chính đáng, trừ những trường hợp rất hạn chế và đặc biệt.
Việc thu thập thông tin về đối thủ cạnh tranh từ các bên thứ ba (bao gồm khách hàng, nhà tư vấn, nhà phân tích và hiệp hội thương mại) thường gây ra các vấn đề pháp lý phức tạp tại địa phương và chỉ nên được thực hiện khi có tư vấn pháp lý phù hợp.
Vị Trí Thống Lĩnh Thị Trường
Khi một công ty thuộc Tập Đoàn có ‘sức mạnh thị trường’, công ty có trách nhiệm đặc biệt bảo vệ cạnh tranh và không lạm dụng vị trí của mình.
Các khái niệm về “thống lĩnh”, “sức mạnh thị trường” và “lạm dụng” được định nghĩa rất khác nhau giữa các quốc gia.
Trường hợp công ty thuộc Tập Đoàn được coi là thống lĩnh thị trường ở địa phương, công ty thường sẽ bị hạn chế tham gia vào các hoạt động như thỏa thuận độc quyền, giảm giá cho khách hàng trung thành, phân biệt đối xử giữa các khách hàng tương đương, tính giá quá cao hoặc quá thấp (dưới giá thành), ràng buộc hoặc kết hợp các sản phẩm khác nhau hoặc lợi dụng vị trí thị trường của mình không công bằng.
Hạn Chế Bán Lại
Một số hạn chế nhất định giữa các bên khác nhau trong chuỗi cung ứng như các điều khoản duy trì giá bán lại giữa nhà cung cấp và nhà phân phối hoặc người bán lại, có thể trái pháp luật.
Tại một số quốc gia, đó có thể là vấn đề cạnh tranh nghiêm trọng nếu hạn chế khả năng khách hàng bán lại sản phẩm vào các lãnh thổ hoặc cho một số nhóm khách hàng nhất định.
Duy trì giá bán lại là khi nhà cung cấp tìm cách hoặc trên thực tế, kiểm soát hoặc tác động đến giá bán lại sản phẩm của khách hàng (bao gồm kiểm soát hoặc tác động gián tiếp thông qua đe dọa và/hoặc khuyến khích).
Các quy tắc về duy trì giá bán lại và hạn chế bán lại khác nhau trên khắp thế giới. Nếu liên quan đến vai trò của bạn, bạn cần phải nắm rõ các quy tắc áp dụng ở các quốc gia mà bạn chịu trách nhiệm..
Sáp Nhập và Mua Lại (M&A)
Khi các Công Ty thuộc Tập Đoàn tham gia vào giao dịch mua bán và sáp nhập, thì yêu cầu nộp hồ sơ bắt buộc có thể phải được thực hiện ở một hoặc nhiều quốc gia trước khi giao dịch hoàn thành (bất kể theo luật cạnh tranh, luật đầu tư nước ngoài hay theo luật khác).
Nghĩa vụ nộp hồ sơ mua bán và sáp nhập khác nhau giữa các quốc gia, nhưng luôn phải được kiểm tra khi sáp nhập, mua lại (tài sản hoặc cổ phần), tham gia liên doanh, bao gồm cả các khoản đầu tư thiểu số và các thay đổi khác về quyền kiểm soát.
Tất cả các Công Ty thuộc Tập Đoàn phải quản lý thông tin một cách thích hợp trong các giao dịch và tuân theo Thủ Tục Tuân Thủ Giao Dịch M&A .
Tham khảo ý kiến chuyên gia
Nếu chúng ta tham gia vào các hoạt động kinh doanh có liên quan đến luật cạnh tranh, chúng ta phải tuân theo các hướng dẫn của vùng, khu vực hoặc thị trường có hiệu lực đối với chính sách của Tập Đoàn và luật pháp trong lĩnh vực này, đồng thời tham khảo ý kiến của Bộ Phận Pháp Lý địa phương của chúng ta.
Không nên cho rằng luật cạnh tranh sẽ không được áp dụng đơn giản vì không có luật cạnh tranh có hiệu lực tại địa phương. Luật cạnh tranh ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ và EU, có hiệu lực bên ngoài lãnh thổ (tại nơi hành vi xảy ra và tại nơi quy định có hiệu lực).
Trao Đổi Thông Tin về Tiền Lương và Các Thỏa Thuận “Không Tuyển Dụng”
Chúng ta không được thỏa thuận hoặc thông đồng với các đối thủ cạnh tranh về tiền lương và phúc lợi. Chia sẻ thông tin lương và phúc lợi mang tính cạnh tranh nhạy cảm với các đối thủ có thể làm phát sinh các vấn đề cạnh tranh và bạn nên liên hệ với Bộ Phận Pháp Lý để được tư vấn chuyên môn trước khi xem xét các hoạt động như vậy.
Thỏa thuận không tuyển dụng, mua chuộc hoặc thu hút nhân viên giữa các đối thủ cạnh tranh cũng có thể gây ra lo ngại về cạnh tranh, trừ khi chúng có liên quan hợp lý đến các giao dịch hợp pháp. Bạn phải luôn kiểm tra với Bộ Phận Pháp Lý để được tư vấn chuyên môn trước khi xem xét các hoạt động như vậy.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực, “đối thủ cạnh tranh” bao gồm cả các công ty/tổ chức trong các ngành và lĩnh vực khác rộng lớn hơn nhiều, bởi vì chúng ta đang cạnh tranh tìm kiếm nhân tài ở thị trường rộng hơn.
Chúng ta không nên cho rằng luật cạnh tranh sẽ không được áp dụng đơn giản vì không có luật cạnh tranh có hiệu lực tại địa phương đó.
Luật cạnh tranh ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ và EU, có hiệu lực bên ngoài lãnh thổ (tại nơi hành vi xảy ra và tại nơi quy định có hiệu lực).
Lên tiếng với ai
Quản lý trực tiếp của bạn
Quản lý cấp cao hơn
Bộ Phận Pháp Lý địa phương của bạn
Giám Đốc Bộ Phận Tuân Thủ Doanh Nghiệp: [email protected]
Cổng thông tin Lên Tiếng (Speak Up): bat.com/speakup
Đường dây nóng Lên Tiếng (Speak Up): bat.com/speakuphotlines