Tính Chính Trực trong Kinh Doanh

 
 
 

Chúng tôi cam kết thực hiện các tiêu chuẩn cao về tính chính trực trong kinh doanh trong tất cả những việc chúng tôi làm. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp tiêu chuẩn đạo đức của mình để đạt được kết quả kinh doanh.

Mâu Thuẫn Lợi Ích

Nhà Cung Cấp phải tránh các mâu thuẫn lợi ích trong giao dịch kinh doanh của mình và hoạt động hoàn toàn minh bạch trong bất kỳ trường hợp nào có hoặc có thể phát sinh mâu thuẫn.

Do đó, Nhà Cung Cấp phải (và phải thực hiện các bước để đảm bảo Người Lao Động của họ):

  • tránh các tình huống mà lợi ích cá nhân và/hoặc thương mại của họ hay lợi ích của viên chức hoặc nhân viên của họ có thể, hoặc có vẻ như, mâu thuẫn với lợi ích của Công Ty thuộc Tập Đoàn BAT;
  • thông báo cho Tập Đoàn nếu bất kỳ Nhân Viên nào của Tập Đoàn hay người thân của Nhân Viên của Tập Đoàn có thể có được lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào trong quan hệ kinh doanh hoặc kinh tế với họ; và
  • thông báo cho Tập Đoàn về bất kỳ tình huống nào là, hoặc có thể được coi là, mâu thuẫn lợi ích thực tế hoặc tiềm ẩn ngay khi mâu thuẫn đó phát sinh và thông báo cho Tập Đoàn về cách Nhà Cung Cấp quản lý mâu thuẫn đó.

Những quy định này không nhằm mục đích ngăn cản Nhà Cung Cấp giao dịch với đối thủ cạnh tranh của Tập Đoàn trong trường hợp việc đó là chính đáng và thích hợp để Nhà Cung Cấp thực hiện.

Quick Links
  • Định Nghĩa
  • Hối Lộ và Tham Nhũng
  • Quà Tặng và Giải Trí (G&E)
  • Biện Pháp Cấm Vận và Kiểm Soát Xuất Khẩu
  • Biện Pháp Cấm Vận và Kiểm Soát Xuất Khẩu là gì?
  • Chống Rửa Tiền và Chống Tài Trợ Khủng Bố
  • Hồ Sơ Kinh Doanh và Bảo Mật
  • Quyền Riêng Tư về Dữ Liệu và Rủi Ro An Ninh Mạng
  • Đánh Giá Khả Năng Bảo Vệ Dữ Liệu và Rủi Ro An Ninh Mạng
  • Cạnh Tranh Công Bằng và Chống Độc Quyền
  • Trốn Thuế
 

Định Nghĩa

‘Hành Vi Không Phù Hợp’ nghĩa là việc thực hiện (hoặc không thực hiện) hoạt động kinh doanh hay chức năng công quyền mà đáng lẽ phải được thực hiện thiện chí, công bằng hoặc phù hợp với sự tin cậy.

Các “khoản thanh toán bôi trơn” là các khoản thanh toán có giá trị nhỏ cho cán bộ cấp thấp để đảm bảo công việc suôn sẻ hoặc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc thường lệ. Đây là điều bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia. Ở một số nước, chẳng hạn như Vương Quốc Anh, việc công dân Anh thực hiện các khoản Thanh Toán Bôi Trơn ở nước ngoài được xem là hành vi phạm tội.

 

Hối Lộ và Tham Nhũng

Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ Nhà Cung Cấp nào (hoặc nhân viên và đại lý của họ) tham gia hoặc có liên quan đến hành vi hối lộ hay hành vi tham nhũng khác.

Do đó, Nhà Cung Cấp tuyệt đối không được tham gia vào bất kỳ hành vi nào có thể cấu thành hành vi hối lộ, bao gồm:

  • tuyệt đối không được đề nghị, hứa hay tặng bất kỳ quà tặng, khoản thanh toán hay lợi ích nào khác (chẳng hạn như thiết đãi thể hiện lòng hiếu khách, tiền lại quả, lời mời làm việc/vị trí làm việc hoặc cơ hội đầu tư) với bất kỳ người nào (trực tiếp hay gián tiếp), nhằm xúi giục hoặc khen thưởng cho hành vi không chính đáng hoặc ảnh hưởng không chính đáng đến bất kỳ quyết định nào bởi bất kỳ người nào vì lợi ích của họ hoặc của Tập Đoàn;
  • tuyệt đối không được yêu cầu, đồng ý nhận hay nhận bất kỳ món quà, khoản thanh toán hay lợi ích nào khác từ bất kỳ người nào (trực tiếp hay gián tiếp) nhằm xúi giục hoặc khen thưởng cho hành vi không chính đáng hoặc gây ảnh hưởng hoặc tạo ấn tượng là nhằm mục đích gây ảnh hưởng không chính đáng đến quyết định của Tập Đoàn;
  • tuyệt đối không được đề nghị, hứa hẹn hay tặng bất kỳ món quà, khoản thanh toán hay lợi ích nào khác cho Công Chức, nhằm gây ảnh hưởng đến cá nhân đó với tư cách là Công Chức vì lợi ích của họ hoặc Tập Đoàn; tuyệt đối không được thực hiện các khoản Thanh Toán Bôi Trơn (trực tiếp hay gián tiếp) liên quan đến hoạt động kinh doanh của Tập Đoàn, trừ khi việc thanh toán đó thực sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn hoặc quyền tự do của bất kỳ Người Lao Động nào; và
  • duy trì các biện pháp kiểm soát tương xứng và hiệu quả để đảm bảo rằng các khoản thanh toán bất chính không được đề nghị, thực hiện, gạ gẫm hay tiếp nhận bởi bên thứ ba thực hiện dịch vụ cho hoặc thay mặt họ hay Tập Đoàn.
 

Quà Tặng và Giải Trí (G&E)

Việc thỉnh thoảng đề nghị hoặc chấp nhận quà tặng và giải trí (G&E) liên quan đến hoạt động kinh doanh là một thông lệ kinh doanh có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, G&E không phù hợp hoặc vượt quá có thể là một hình thức hối lộ và tham nhũng, gây tổn hại nghiêm trọng tới BAT và Nhà Cung Cấp của chúng tôi.

Nhà Cung Cấp không được tặng hay nhận G&E nếu việc làm như vậy sẽ cấu thành, hoặc sẽ bị coi là cấu thành, hành vi hối lộ hay hành vi tham nhũng khác. Như vậy:

  • Chúng tôi mong đợi Nhà Cung Cấp tuân thủ các nguyên tắc trong chương G&E của Tập Đoàn, như được quy định trong SoBC, khi làm việc với các Công Ty và Nhân Viên của Tập Đoàn;
  • việc trao đổi G&E giữa Nhân Viên và Nhà Cung Cấp của BAT bị cấm trong bất kỳ quá trình đấu thầu hay đấu thầu cạnh tranh nào liên quan đến Tập Đoàn; và
  • Nhà Cung Cấp không được, trực tiếp hay gián tiếp, tìm cách gây ảnh hưởng đến Công Chức trên danh nghĩa của Tập Đoàn bằng cách cung cấp bất kỳ G&E nào (hay lợi ích cá nhân khác) cho Công Chức hay bất kỳ người nào, chẳng hạn như người thân, bạn bè hoặc cộng sự của Công Chức. Hầu như quà tặng cho Công Chức có giá trị lớn hơn giá trị tượng trưng là không phù hợp.
 

Biện Pháp Cấm Vận và Kiểm Soát Xuất Khẩu

Nhà Cung Cấp phải đảm bảo họ tiến hành hoạt động kinh doanh của mình theo cách tuân thủ mọi biện pháp cấm vận quốc tế hiện hành và không làm việc với bất kỳ vùng lãnh thổ bị cấm vận hay bên bị cấm vận nào trong trường hợp bị cấm làm như vậy.

Như vậy, Nhà Cung Cấp phải:

  • nắm rõ và tuân thủ đầy đủ tất cả các biện pháp cấm vận hiện hành ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ;
  • thực hiện các biện pháp kiểm soát nội bộ hiệu quả để giảm thiểu rủi ro vi phạm biện pháp cấm vận, đồng thời tổ chức đào tạo và hỗ trợ để đảm bảo nhân viên của Nhà Cung Cấp hiểu và thực hiện các biện pháp này một cách hiệu quả, nhất là khi công việc của họ liên quan đến chuyển tiền quốc tế hay cung cấp hoặc mua sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ xuyên biên giới; và
  • thông báo cho Tập Đoàn về bất kỳ tình huống nào mà Nhà Cung Cấp dự định cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho Tập Đoàn có nguồn gốc từ hoặc trung chuyển qua một lãnh thổ đang bị cấm vận toàn diện của Hoa Kỳ, hoặc có ý định thanh toán hay cung cấp sản phẩm của Tập Đoàn đến/qua bất kỳ lãnh thổ hoặc bên bị cấm vận nào.
 

Biện Pháp Cấm Vận và Kiểm Soát Xuất Khẩu là gì?

Biện pháp cấm vận là các biện pháp hạn chế hoặc nghiêm cấm đối với hoạt động kinh doanh hoặc giao dịch, bao gồm cả chuyển tiền, với hoặc liên quan đến các quốc gia hoặc cá nhân mục tiêu, do một số quốc gia như Hoa Kỳ (US) và Vương Quốc Anh (UK); hay các cơ quan siêu quốc gia, chẳng hạn như Liên Hợp quốc và Liên Minh Châu Âu áp dụng đối với một quốc gia, thực thể hoặc cá nhân.

Một số chế tài cấm vận áp dụng rất rộng; ví dụ, các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ có thể áp dụng ngay cả với đối tượng không thuộc Hoa Kỳ khi hành động hoàn toàn bên ngoài Hoa Kỳ. Đặc biệt, các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ cấm sử dụng đôla Mỹ và ngân hàng của Hoa Kỳ thậm chí trong thanh toán giữa các bên không thuộc Hoa Kỳ liên quan đến bên bị cấm vận, cũng như hoạt động xuất khẩu/chuyển tải các sản phẩm có xuất xứ Hoa Kỳ và các sản phẩm có nội dung xuất xứ Hoa Kỳ, hoặc đối với các vùng lãnh thổ bị cấm vận hoặc những người bị cấm vận nhất định.

Một số chế tài cấm vận áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu/tái xuất các sản phẩm có xuất xứ từ các vùng lãnh thổ bị Hoa Kỳ cấm vận toàn bộ hoặc một phần; cũng như đối với việc trung chuyển các sản phẩm qua các vùng lãnh thổ bị cấm vận như vậy.

Ngoài các biện pháp cấm vận, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt các nghĩa vụ cấp phép đối với việc vận chuyển xuyên biên giới của một số loại mặt hàng. Trong trường hợp biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp dụng cho một mặt hàng cụ thể, thì chúng tôi phải luôn đảm bảo rằng chúng tôi có sẵn (các) loại giấy phép phù hợp trước khi xuất khẩu chúng.

Vi phạm các biện pháp cấm vận và kiểm soát xuất khẩu sẽ dẫn đến các hình phạt nghiêm trọng, bao gồm phạt tiền, mất giấy phép xuất khẩu và phạt tù, bên cạnh việc gây tổn hại đến uy tín và thiệt hại đáng kể cho mối quan hệ đối tác với ngân hàng.

 

Chống Rửa Tiền và Chống Tài Trợ Khủng Bố

Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ Nhà Cung Cấp nào (hoặc nhân viên và đại lý của họ) tham gia hoặc có liên quan đến hành vi rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

Nhà Cung Cấp phải thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả để đảm bảo rằng họ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào cấu thành hành vi vi phạm về rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố ở bất kỳ khu vực pháp lý liên quan nào hoặc có thể khiến BAT thực hiện hành vi vi phạm như vậy – điều này bao gồm (nhưng không giới hạn ở): che giấu hoặc chuyển đổi các quỹ hoặc tài sản bất hợp pháp; sở hữu hoặc xử lý số tiền thu được từ hành vi phạm tội; hoặc cố ý hỗ trợ cấp tiền, chuyển giao tài sản làm lợi cho, hoặc hỗ trợ, các nhóm khủng bố và hoạt động khủng bố.

 

Hồ Sơ Kinh Doanh và Bảo Mật

Để tiến hành hoạt động kinh doanh với Tập Đoàn, Nhà Cung Cấp có thể cần truy cập các hồ sơ bảo mật và riêng tư liên quan đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi.

Như vậy, Nhà Cung Cấp phải:

  • đảm bảo thông tin này được bảo vệ và bảo mật;
  • không tiết lộ thông tin bảo mật khi không có sự cho phép trước của Tập Đoàn; và
  • Cần lưu ý trước rủi ro vô tình tiết lộ thông tin bảo mật trong các cuộc thảo luận hoặc khi sử dụng tài liệu tại nơi công cộng.

Nhà Cung Cấp cũng phải duy trì cập nhật hồ sơ kinh doanh, dù là hồ sơ tài chính hay phi tài chính, phù hợp với pháp luật hiện hành và đảm bảo xử lý dữ liệu cá nhân phù hợp với tất cả pháp luật về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư có liên quan. Mọi hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Tập Đoàn cũng cần được lưu giữ trong khoảng thời gian theo yêu cầu của Tập Đoàn.

 

Quyền Riêng Tư về Dữ Liệu và Rủi Ro An Ninh Mạng

Chúng tôi cam kết bảo vệ tính toàn vẹn và bảo mật của hệ thống và dữ liệu (bao gồm cả dữ liệu cá nhân) trong toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi.

Nhà Cung Cấp phải duy trì các hệ thống và biện pháp kiểm soát thích hợp để bảo vệ dữ liệu của Tập Đoàn, bao gồm cả dữ liệu cá nhân và, khi thích hợp, quyền truy cập vào các hệ thống của Tập Đoàn. Nhiều Nhà Cung Cấp nắm giữ hoặc có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân hoặc thông tin bảo mật của Tập Đoàn.

Cũng như việc tuân thủ pháp luật về bảo mật dữ liệu toàn cầu, chẳng hạn như Quy Định Chung về Bảo Vệ Dữ Liệu (GDPR), việc Nhà Cung Cấp duy trì an ninh mạng tốt là điều rất quan trọng đối với sự bảo mật của dữ liệu và hệ thống của Tập Đoàn cũng như để bảo vệ hoạt động kinh doanh của Tập Đoàn. Như vậy, chúng tôi mong đợi Nhà Cung Cấp của mình sẽ tuân thủ pháp luật về bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, các hướng dẫn theo quy định pháp luật và biện pháp thực hành tốt nhất trong ngành (bao gồm đánh giá về bảo vệ dữ liệu khi luật pháp yêu cầu và đánh giá về nguy cơ an ninh mạng).

Nguy cơ và rủi ro về an ninh mạng trong cách chúng tôi quản lý dữ liệu (bao gồm cả dữ liệu cá nhân) luôn thường xuyên thay đổi. Điều quan trọng là Nhà Cung Cấp cần có các biện pháp kỹ thuật, chính sách và quy trình thích hợp để bảo vệ dữ liệu của Tập Đoàn và đảm bảo rằng mọi quyền truy cập vào hệ thống của Tập Đoàn, hay việc xử lý tất cả dữ liệu, đều được bảo mật và quản lý theo quy trình được lập thành văn bản.

Như vậy, Nhà Cung Cấp phải:

  • duy trì tất cả chính sách bảo vệ dữ liệu, bảo mật thông tin và an ninh mạng thích hợp và cập nhật thường xuyên;
  • giám sát việc tuân thủ chính sách một cách liên tục và đảm bảo rằng mọi hành động khắc phục được thực hiện kịp thời;
  • điều tra ngay lập tức hành vi vi phạm tiềm ẩn đối với chính sách bảo vệ dữ liệu, sự cố bảo mật và báo cáo cho Tập Đoàn về bất kỳ sự cố hoặc sự kiện nào như vậy mà có thể ảnh hưởng đến dữ liệu hoặc hệ thống của Tập Đoàn; và
  • khi được yêu cầu, đưa ra các biện pháp xử lý theo yêu cầu của Tập Đoàn.
 

Đánh Giá Khả Năng Bảo Vệ Dữ Liệu và Rủi Ro An Ninh Mạng

Nhà Cung Cấp phải liên tục đánh giá rủi ro đối với tổ chức của mình và việc rủi ro đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc xử lý dữ liệu của Tập Đoàn (bao gồm cả dữ liệu cá nhân) hoặc quyền truy cập vào hệ thống và dữ liệu của Tập Đoàn.

Nhà Cung Cấp phải xem xét rủi ro gắn liền với dữ liệu của Tập Đoàn mà họ sở hữu hay bất kỳ quyền truy cập nào vào hệ thống của Tập Đoàn, phù hợp với các mô hình về nguy cơ và rủi ro.

 

Cạnh Tranh Công Bằng và Chống Độc Quyền

Chúng tôi tin tưởng vào việc cạnh tranh tự do, phù hợp với luật cạnh tranh (hoặc luật ‘chống độc quyền’).

Như vậy, Nhà Cung Cấp phải cạnh tranh một cách công bằng và phù hợp với đạo đức, cũng như tuân thủ luật cạnh tranh ở mỗi quốc gia và khu vực kinh tế nơi Nhà Cung Cấp hoạt động.

 

Trốn Thuế

Nhà Cung Cấp phải đảm bảo tuân thủ tất cả pháp luật và quy định hiện hành về thuế tại quốc gia nơi Nhà Cung Cấp hoạt động, đồng thời công khai và minh bạch với cơ quan thuế.

Trong mọi trường hợp, Nhà Cung Cấp không được có hành vi cố ý trốn thuế bất hợp pháp hoặc tạo điều kiện cho hành vi trốn thuế trên danh nghĩa của người khác.

Như vậy, Nhà Cung Cấp phải thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ trốn thuế hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi trốn thuế, đồng thời tổ chức các quy trình đào tạo, hỗ trợ và tố giác thích hợp để đảm bảo nhân viên của Nhà Cung Cấp hiểu và thực hiện những biện pháp này một cách hiệu quả và có thể báo cáo bất kỳ mối quan ngại nào.

 

Liên Hệ với Tập Đoàn